Các nền tảng web bán hàng phổ biến tại Việt Nam

Review "Sương Sương" về các nền tảng web bán hàng phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Chọn hợp lý giúp web bán hàng của bạn phát triển tốt nhất.
0 0 votes
Tặng sao cho bài viết

Nếu bạn là một người bắt đầu kinh doanh và dự định đầu tư làm một website thì bài viết này cực kỳ phù hợp cho bạn.

Bài viết này mình sẽ phân tích dựa trên kinh nghiệm và trải nghiệm của mình với các nền tảng web bán hàng hiện nay tại Việt Nam. Đâu là nền tảng phù hợp để bạn lựa chọn?

Tại sao phải có website để bán hàng?

Hiện nay, để bắt đầu việc bán hàng bạn có thể sử dụng rất nhiều cách: Trang thương mại điện tử (Shopee, Tiki, Lazada,..), Facebook cá nhân, Fanpage, Zalo ….

Và website là chỉ là một trong những kênh hỗ trợ việc bán hàng.

Đối với các sản phẩm như quần áo, thức ăn dựa trên hành vi của khách hàng có thể không cần đặt hàng nên việc sử dụng một website bán hàng. Có thể mới bắt đầu chưa cần NHƯNG các thương hiệu lớn vẫn sử dụng tốt nhé!

Website bán hàng cần thiết khi:

  • Khách hàng cần xem đầy đủ thông tin sản phẩm: Đặc điểm kỹ thuật, hình ảnh khác, video,… của sản phẩm để quyết định mua hàng.
  • Bạn cung cấp các dịch vụ, sản phẩm giá trị cao cần website để tăng sự uy tín, niềm tin của khách hàng.
  • Bạn có nhiều sản phẩm, các sản phẩm cố định không có thay đổi trong một thời gian.
  • Bạn có thể và muốn khai thác quảng cáo đa kênh: Google Ads, Facebook Ads, Tiktok hoặc các kênh traffic khác như Zalo, SEO mà chỉ muốn tập trung về 1 nơi.
  • Theo dõi dành vi khách hàng sâu hơn: với website thì bạn có thể theo dõi hành vi khách hàng sâu nhất với các hành động (xem giỏ hàng, mua hàng, nguồn truy cập, số lần truy cập trang, gọi điện,…). Từ đó, có thể tối ưu tốt hơn.
  • Các các tính như khác như thanh toán, tính phí giao hàng, kết nối tự động với các phần mềm quản lý bán hàng..

Nếu bạn vẫn bán tốt trên các nền tảng khác thì chỉ cần tập trung và tối ưu tốt, hãy tạm thời đừng quan tâm tới việc sỡ hữu 1 website vì setup cũng tốn khá nhiều thời gian.

Nền tảng là gì?

Nền tảng là hệ thống để xây dựng website đó hoạt động, nền tảng được xây dựng trên những ngôn ngữ lập trình khác nhau để tạo phần mềm để bạn sử dụng và thao tác với những tính năng đã được tạo ra.

Ví dụ thế này cho dễ hiểu: Có hai chiếc tivi của Dell và của LG, về mặt sử dụng thì cũng với tính năng như nhau Nhưng hai hãng sẽ sử dụng những tấm nền, đèn nền, nguồn, chất liệu bên dưới đều khác nhau.

Tại sao lựa chọn nền tảng lại quan trọng?

Khi lựa chọn nền tảng phù hợp, bạn sẽ thấy tiện lợi và phù hợp hơn trong quá trình sử dụng.

Nền tảng website phù hợp sẽ giúp bạn sỡ hữu những tính năng mà bạn cần khi kinh doanh trên website đó, ngược lại thì bạn sẽ bị thiếu tính năng mà bạn cần.

Không phải một nền tảng nhiều tính năng luôn là lựa chọn hàng đầu, bạn cần phải xem xác định nền tảng nào là vừa đủ với mình và nguồn lực (thời gian, nhân sự) của bạn có phù hợp hay không.

Việc xác định đúng là giúp bạn đi đúng hướng và phát triển tốt, làm 1 lần là chuẩn luôn.

Các nền tảng website bán hàng phổ biến & phù hợp tại Việt Nam

Mình sắp xếp dựa trên ngẫu hứng của mạch viết , không phải là thứ tự ưu tiên. Bài viết dựa trên quá trình làm việc với khách hàng và bản thân mình cũng từng là nhân viên Sale và triển khai một trong những nền tảng này nhé.

SAPO.VN

Đây là một nền tảng có thể một số bạn có thể thấy xa lạ, nhưng nếu nhắc đến Bizweb thì nhiều người sẽ biết cái tên nhiều hơn. Cùng một công ty nhưng Sapo là nền tảng mới so với Bizweb (sau cả haravan) nhưng nói về kinh nghiệm trong mảng thiết kế web bán hàng thì Sapo lại có nhiều năm kinh nghiệm hơn từ lúc triển khai Bizweb.

Hiện tại, theo số liệu của Sapo thì đã có hơn 67.000+ khách hàng sử dụng và mục tiêu của Sapo cũng là phát triển thành nền tảng bán hàng đa kênh (Omnichanel) hơn là tập trung mảng website.

Bài viết này chúng ta chỉ tập trung về web bán hàng của sapo thôi nhé!

Các nền tảng web bán hàng phổ biến tại Việt Nam - Sapo
Các giải pháp khác của Sapo

Giao diện

Bạn có thể tìm tất cả giao diện của Sapo Web tại https://themes.sapo.vn/

Kho giao diện của Sapo mình đánh giá là đẹp, mượt, chuẩn SEO, rất phong phú vì không chỉ Sapo mà còn đối tác tham gia vào phát triển. Tính năng và những điểm custom các theme đối tác cũng rất sắc nét và chỉn chu.

Các nền tảng web bán hàng phổ biến tại Việt Nam - Sapo
Hơn 400 mẫu giao diện đa ngành nghề

Theme này để sử dụng bạn phải trả thêm phí để sử dụng chứ không có sẵn trong gói dịch vụ. Theo mình, bạn nên chọn theme có phí sẽ có nhiều tính năng được custom tốt hơn và nếu sau này bạn muốn code thêm tính năng từ theme miễn phí thì chi phí sẽ cao hơn.

Tính năng

Nhưng tính năng có sẵn của Sapo Web:

  • Giao diện Responsive: Thích hợp với tất cả các thiết bị máy tính bảng, di động
  • Chứng chỉ SSL: Bảo mật hơn khi khách hàng thanh toán tranh mất thông tin
  • Kết nối với đơn vị giao hàng: Kết nối sẵn với một số đơn vị giao hàng, đơn hàng tự động hoàn thành khi hàng được giao thành công
  • Kết nối với các cổng thanh toán: Tích hợp các cổng thanh toán Napas, Paypal, One pay, VNPay đơn giản hơn cho bạn. Bạn cần phải có giấy phép kinh doanh để sử dụng tính năng này
  • Đầy đủ công cụ để bạn có thể tối ưu SEO cho các trang, sản phẩm hoặc blog….
  • Quy trình đặt, giỏ hàng, thanh toán được sapo setup sẵn

Đó là những tính năng khi bắt đầu đầu có sẵn. Nhưng nhiều tính năng khác sẽ được bổ sung bởi những cung cấp tại kho https://apps.sapo.vn/

Đây cũng là những app được cung cấp từ Sapo và các đối tác, theo cá nhân mình cũng tương đối nhiều tính năng để bạn có thể bổ sung thêm cho website của mình.

Chi phí các Apps này theo mình thì khá cao, nhiều app trả theo tháng nên tổng dồn lại cũng nhiều.

Chi phí ban đầu

Các nền tảng web bán hàng phổ biến tại Việt Nam - Sapo
Gói giá của Sapo

Chi phí sử dụng Sapo web sẽ bao gồm chi phí: Giá gói dịch vụ (299.000/ tháng, đăng ký tối thiểu 12 tháng) xem tại trang bảng giá sapo + Phí giao diện (nếu có) + Phí App 1 năm (nếu có)

Ví dụ: Nếu bạn chọn giao diện khoảng 1.200.000 không dùng app nào có phí thì tổng là 299.000*12 +1.200.000 = 4.788.000

Chi phí gia hạn

Nếu năm sau bạn gia hạn thì trả 299.000*12=3.588.000

Nhận xét & và lưu ý khác:

  • Một shop bắt đầu, nếu không có nhân viên hỗ trợ và bạn không rành nhiều về mảng này thì có thể thì dùng rất là hợp lý. Rẻ hơn nhiều nếu bạn thuê 1 đơn vị thiết kế website với tính năng tương đương.
  • Tốc độ tải trang của Sapo phải nói là tuyệt vời vì code khá clear và Sapo có hệ thống chống DDos với Firewall riêng, đây là điểm cộng khá lớn để bán hàng online và tối ưu SEO.
  • Chi phí gia hạn và duy trì mỗi năm cao, mức phí gia hạn này cũng ko cố định theo hợp đồng ban đầu mà dựa theo bảng giá Sapo đưa ra. Lịch sử cũng có thay đổi mấy lần.
  • Các app kết nối các nền tảng khác về vận chuyển hay bán hàng bạn cần hỏi lại apps và tính năng bạn cần hiện tại có sử dụng được không.
  • Cần chọn template đáp ứng 80-90% nhu cầu, bố cục của bạn còn màu sắc thì thay đổi dễ. Sau khi hỗ trợ ban đầu (Hình như 5-7 lần), nếu bạn chỉnh bố cục giao diện thì Sapo sẽ tính phí riêng cho mỗi chỉnh sửa.

HARAVAN

Haravan “sinh sau đẻ muộn” so với Bizweb nhưng nền tảng như hiện nay là đi trước. Vì sau này Sapo mới phát triển nền tảng giống haravan là dựa trên lõi Shopify như hiện nay, theo mình nhớ là sau khoảng 2-3 năm gì đó.

Đến hiện tại thì mỗi bên đã có sự phát triển và định hướng khác nhau và có những ưu điểm khác biệt riêng.

Giao diện

Tất cả giao diện của Haravan bạn có thể xem tại https://themes.haravan.com/

Cũng tương đương với Sapo với nhiều themes của hệ thống và đối tác, rất nhiều đối tác cùng bán trên Sapo và Haravan (Vì chung nền tảng lõi) nên nhiều theme tương tự nhau.

Theme đều có miễn phí và tính phí, bạn cần phải trả riêng không bao gồm gói giá.

Các nền tảng web bán hàng phổ biến tại Việt Nam - Haravan
Kho theme của Haravan

Nhìn chung về thiết kế cũng đáp ứng nhiều ngành nghề lĩnh vực, mình thì đánh giá giao diện bên Haravan yếu hơn 1 chút so với Sapo NHƯNG thực sự nhiều themes cũng rất ngon nhưng với số lượng lớn như vậy phải tìm và trải nghiệm riêng của bạn mới quan trọng và lựa chọn hợp lý.

Tính năng

Các tính năng cũng cũng gần như Sapo những chi tiết có mỗi bên xây dựng khác nhau về tính nãng cũng như giao diện sử dụng khác nhau.

Các nền tảng web bán hàng phổ biến tại Việt Nam - Haravan
Mình thì thích cách sắp xếp và xây dựng tính năng trên Haravan hơn.

Ngoài ra, kho ứng dụng của haravan cũng khá phong phú với các app được cung cấp bởi haravan và các đối tác, có 1 số app giống bên sapo những cũng có nhiều app khác.

Các nền tảng web bán hàng phổ biến tại Việt Nam - Haravan
Cũng đủ đồ chơi cho bán hàng online

Chi phí ban đầu

Chi phí bắt đầu với Haravan có phần cao hơn, để làm web bán hàng chỉn chu thì bạn sử dụng gói Pro, hợp đồng 1 năm sẽ mất khoản 6.000.000 chưa bao gồm tên miền và phí mua thêm giao diện.

Các nền tảng web bán hàng phổ biến tại Việt Nam - Haravan

Chi phí gia hạn

Chi phí gia hạn thì cũng giống như Sapo, bạn sẽ trả phí gói gia hạn tùy theo bảng giá của Haravan thời điểm đó.

Nhận xét và lưu ý khác

Như đã nhận xét từ đầu, haravan là 1 nền tảng cũng gần giống sapo. Tuy nhiên, các app, tính nãng, giao diện có chút tương đồng thôi nhưng đều xây dựng khác nhau.

Haravan có nhiều đơn vị lớn để dùng hơn như Juno, Aeon… nên về tính năng nói giới hạn thì không giới hạn nhưng để làm các tính năng như các website lớn đó thì cũng có đội ngũ kỹ thuật để thiết kế riêng. Vì vậy, bạn cần phải tham khảo theme mình chọn một cách kỹ lưỡng chứ không phải dựa theo các website tham khảo.

Bạn có thể tham khảo lại những nhận xét ở bên sapo để hiểu hơn lựa chọn nhé!

Có rất nhiều đơn vị lớn triển khai dịch vụ thiết kế web bán hàng nhanh hơn 2 ông lớn trên, điển hình như nhanh.vn, chili.vn,… Do mình chưa có trải nghiệm và sử dụng qua nhiều nên không thể góp ý được.

Thiết kế web với WordPress / Woocommerce

Woocommerce là một plugin bán hàng được chạy trên mã nguồn mở WordPress, mọi người thường sẽ gọi là thiết kế website bằng WordPress hơn.

WordPress là một mã nguồn mở được bắt đầu để hỗ trợ cho các Blogger nhưng dần phát triển và tùy biến thành những website có những tính năng nâng cao hơn và trong đó có cả bán hàng.

Dùng nền tảng WordPress thì bạn sẽ có 2 lựa chọn: Triển khai qua một công ty thiết kế web, tự thiết kế và cài đặt cho riêng mình.

Tự thiết kế thì cần làm gì?

Để tự cài đặt và thiết kế thì bạn cần phải làm các công việc sau:

  • Mua hosting hoặc vps, sever
  • Cài đặt mã nguồn WordPress, có nhiều host hỗ trợ cài với 1 nút bấm
  • Lựa chọn theme => mua theme => Cài đặt
  • Thiết kế giao diện lại phù hợp với yêu cầu riêng của mình
  • Vận hành, bảo mật, backup

Các kiến thức đều có sẵn trên mạng nhưng bạn cần phải chịu khó học hỏi và tự làm nó NHƯNG rất đáng để làm nó, đọc tiếp mình sẽ giải thích nhé!

Giao diện

Giao diện Woocommerce thì rất nhiều và phổ biến, bạn có thể trực tiếp mua từ:

  • Các chợ theme lớn lớn như: Themeforest.net, Mythemeshop,…. hoặc một số nhà cung cấp khác
  • Mua từ “chợ đen” để rẻ hơn nhưng (có theme có key hoặc không) điển hình như chotheme.com. Tuy đây không phải là điều gì đó tốt để giới thiệu nhưng mình dùng cái nào thì giới thiệu cái đó.
  • Mua từ các chợ được custom phù hợp với người Việt như webkhoinghiep.net
  • Và nhiều nguồn khác tương tự…..

Theo kinh nghiệm cá nhân mình: Nếu bạn cần làm web bán hàng nhanh thì nên mua các theme custom sẵn để đỡ tốn thời gian, sau một thời gian học và làm quen tốt rồi thì sau này có thể mua & tự cài đặt theme gốc. Còn nếu để học hỏi thì cài từ theme gốc sẽ giúp bạn có nhiều kinh nghiệm hơn.

Tính năng

Sử dụng Woocommerce thì tính năng 1 phần được kế thừa sẵn từ các theme và một phần được cài đặt thêm gọi là các Plugin.

Plugin của WordPress nói chung và hỗ trợ Woocommerce nói riêng phải nói vô cùng nhiều và phong phú, cùng 1 tính năng những có rất nhiều plugin được phát triển từ cộng đồng người dùng và lập trình trên toàn thế giới.

Các nền tảng web bán hàng phổ biến tại Việt Nam - WordPress
Kho plugin miễn phí của WordPress

Vì quá nhiều nên việc chọn plugin nào cho phù hợp cũng là một kỹ năng cần phải học qua quá trình sử dụng, đơn giản và nhanh hơn thì xem các bài đánh giá cũng lựa chọn được phần nào.

Chi phí sử dụng: Đa phần là miễn phí, nhưng nếu muốn sử dụng tính năng nâng cao thì bạn có thể trả phí. Chi phí thường là mua 1 lần, cũng có plugin phải mua theo năm.

Chi phí ban đầu:

  • Hosting hoặc Vps: Tương đối rẻ, từ 50.000/tháng cho đến 500.000/tháng hoặc hơn, thường thì mình dùng vps $5/tháng xài 3-5 website có website lên đến 40.000traffic/tháng vẫn đáp ứng ngon.
  • Giao diện: Theme thường được bán giá phổ biến $59 hoặc mua các theme custom từ 500.000-1.000.000
  • Plugin: Cái này cũng tùy theo nhu cầu mỗi bạn
  • Công sức: Cái này thì không thể tính được, tùy vào mỗi bạn dành bao nhiêu thời gian. Đối với những bạn mới làm quen thì chi phí này sẽ tốn kém hơn thuê dịch vụ nhiều, còn quen rồi thì cũng khá nhanh vì đã quen (Kiến thức đúng là một tài sản)

WordPress đúng là một nền tảng miễn phí những để hoàn thiện một website thì không rẻ chút nào nhé. Tuy nhiên, nếu ai làm nhiều website thì tài nguyên đầu tư 1 lần có thể sử dụng cho lần sau thì lúc đó chi phí mới được tối ưu hơn.

Khi bạn tự triển khai được thì sẽ có được kiến thức, nếu bạn có một ý tưởng kinh doanh nào đó thì chỉ cần mua domain, tận dụng vps hoặc hosting và các theme, plugin có sẵn sẽ triển khải một website bán hàng nhanh chóng.

Chi phí gia hạn

Chi phí gia hạn thì bạn chỉ cần chi trả cho hosting hoặc vps mỗi năm.

Nhận xét và lưu ý khác

  • Nếu bạn chưa biết quản trị và sử dụng Woocommerce có thể học kiến thức tại thachpham.com
  • Nếu cần web bán hàng nhanh thì mua theme tại webkhoinghiep.net (có mấy chợ nữa mà mình hay dùng trên này) được custom sẵn rồi, sau đó thì vọc và học thêm để sau này tự làm được.
  • Tính năng của Woocommerce rất phong phú ăn đứt các nền tảng khác, nhưng cẩn trọng trong việc lựa chọn plugin cho phù hợp.
  • Khả năng custom của Woocommerce là đỉnh cao, bạn có thể thuê lập trình việc custom riêng cho mình. Đối với việc kết nối đa nền tảng với CRM, phần mềm quản lý bán hàng, giao vận thì sự mở rộng của Woocommerce mới có thể giúp bạn làm điều đó TỐT NHẤT.
  • Tốc độ của Website Woocommerce có thể không nhanh bằng các platform khác, cũng cần phải tối ưu dần.
  • Chi phí ban đầu chưa chắc rẻ hơn các giải pháp khác, nhưng gia hạn thì chắc chắn rẻ hơn.

Còn rất nhiều Platform khác như Shoppify, Shopbase, …. nhưng bản thân mình chưa dùng qua nhiều nên không thể giới thiệu cho các bạn được.

Tham khảo cách tự thiết kế web bán hàng với WordPress

Nên chọn nền tảng nào?

Platform của Việt Nam

Nếu bạn cảm thấy những khái niệm về công nghệ, kỹ thuật thật khó hiểu thì nên lựa chọn 2 hoặc các nền tảng đầu tiên.

Không cần quan tâm về tốc độ, bảo mật và sao lưu vì các nhà cung cấp platform làm cho bạn rồi.

Tuy nhiên, bạn cần phải xem theme mặc định chọn có đáp ứng được tất cả tính năng mình cần hay không. Hoặc các app đang có của nền tảng đó có đủ cho điều kiện của bạn hay không.

Nếu bạn cần một tính năng nào đó mà chưa thấy trên theme hoặc app thì hỏi trực tiếp các bạn kinh doanh hoặc kỹ thuật là có thể làm được không và có phát sinh thêm phí không.

Tương lai có kết nối với hệ thống nào khác (CRM, giao vận, quản lý tồn kho) thì bạn cũng tìm hiểu trước có kết nối được luôn hay không nhé!

Woocommerce

Woocommerce chính xác là một giải pháp rất ít hạn chế về tính năng vì hệ thống plugin hỗ trợ và có thể custom thêm rất nhiều.

Bạn cần phải trang bị nhiều kiến thức nếu một mình làm từ A-Z, hoặc nếu có 1 nhân viên biết chút kỹ thuật thì nên sử dụng giải pháp này.

Chi phí ban đầu thì không hẳn là rẻ, nhưng nếu bạn đã có tài nguyên rồi thì các website sau này bạn triển khai sẽ tiết kiệm nhiều chi phí.

Cần phải tìm hiểu thêm về bảo mật, sao lưu để chủ động sao lưu.

Đó là những kinh nghiệm của mình khi làm web bán hàng tại thị trường Việt Nam. Hãy chia sẻ thêm trải nghiệm của bạn!

0 0 votes
Tặng sao cho bài viết
Huy Thân
Huy Thân

Mình là người kỹ thuật làm Marketing hay còn gọi là dân MarTech.

Những bài viết trên blog là chia sẻ những kinh nghiệm & trải nghiệm của mình trong cuộc sống và công việc. Chúng ta có thể kết nối và hiểu nhau hơn bằng việc comment bên dưới bài viết.

0 0 votes
Tặng sao cho bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments