Lúc viết bài này cũng gần một năm từ ngày mình bắt tay vào việc viết nên Huy sẵn tiện review lại hành trình này, cũng là cách để bản thân được nhìn nhận lại và rút ra những bài học cho mình.
Trước khi bắt đầu
Thực ra, tôi đã viết từ lâu. Nhưng chỉ dừng lại ở bản năng, viết những gì tôi nghĩ và cảm nhận. Điều đó cũng có lợi thế khi chúng ta muốn diễn tả những điều chân thật, câu chuyện đời. Tuy nhiên, khi cần thêm nhiều hơn, cần giao tiếp hiệu quả, cần sản xuất nội dung hàng ngày với phong cách đa dạng và mục tiêu khác nhau, thì chúng ta cần phải đưa viết lên một tầm cao mới.
Từng viết một bài mất mấy ngày, sai chính tả nhiều, thường gặp khó khăn trong việc tìm ý tưởng và lựa chọn từ ngữ phù hợp. Có lẽ trong suốt thời gian đi học 12 năm, môn Văn không để lại nhiều ấn tượng trong đầu tôi, không đem lại nhiều cảm hứng để học hay cảm thấy hứng thú mỗi khi cầm bút. Vì vậy, có thể nói kỹ năng viết của tôi giống như tờ giấy trắng, bắt đầu từ con số 0 và chỉ ở mức độ thấp.”
Nhìn lại một năm, mình thu hoạch được gì:
- Tự viết tất cả nội dung để truyền thông
- Tự viết những bài viết theo chủ đề khác nhau, viết chiêm nghiệm, kể chuyện
- Đã đứng lớp chia sẻ về viết quảng cáo được 5 lần.
- Viết hơn 200 bài đủ thể loại
- Những người quen biết đã nhận xét rằng kỹ năng viết của tôi đã tăng trưởng vượt bậc và nhanh chóng
Mình cũng đã đối diện với những nỗi sợ hãi bên trong, không dám đăng bài, sợ bị phán xét và mất mặt. Mình cũng đã nhận những lời góp ý về chính tả, sai ngữ pháp, nội dung lan man và khó hiểu… Tuy nhiên, mình đã học cách vượt qua những khó khăn đó và cải thiện kỹ năng viết của mình. Mình đã tìm kiếm và tham gia vào những cộng đồng, nơi mà mình có thể thoải mái chia sẻ và luyện viết tốt hơn mỗi ngày.
Vì thế mà hôm nay mình viết lại hành trình một năm luyện viết content như thế nào? Đến khi kiếm được tiền, có thu nhập từ việc viết như thế nào?
Lưu ý: Bài sẽ dài vì hành trình này cũng không phải dễ.
Tại sao mình bắt đầu học viết
Trước đây, dù làm về Digital Marketing nhưng mình hoạt động chính trong mảng MarTech nhiều hơn. Tại các nơi mình làm việc, đều có đội content để lo các công việc về sáng tạo ngôn từ. Vì thế mà mình dường như coi đó là công việc có người khác làm, mình không cần phải “đụng” tới, có chăng thì cũng ít thôi và ráng một chút vẫn hoàn thiện được.
Gần một năm trước, mình bắt đầu công việc xây dựng hoạt động các nhóm cộng đồng của công ty nên hầu như việc viết content bắt đầu nhiều hơn, bắt đầu vượt quá khả năng có sẵn của bản thân nên thấy quá tải.
Cũng trong khoảng thời gian này, mình cũng có ý định sẽ trở thành một freelancer. Đó cũng mới là ý định cho tương lai nhưng mình cũng tìm hiểu rất rõ việc phải tự tìm khách hàng, cần xây dựng thương hiệu cá nhân, tự bán hàng… Và điều đó cũng đồng nghĩa cần kỹ năng content ở mức đó bài bản hơn, sâu hơn để có thể sáng tạo nội dung đều đặn và hiệu quả
Một buổi tối, trong lúc ngồi làm việc và bật một bài nhạc để chill. Khi nghe Đen Vâu phối bản nhạc rap trên nền thính phòng quá êm tai. Hình ảnh đó thật là ngầu và thăng hoa, rồi thấy một mẫu quảng cáo lớp học viết nội dung, mình chợt nghĩ: ‘Why not?’
Tại sao Đen lại chơi rap – một thể loại nhạc của đường phố trên nền nhạc thính phòng – một thể loại nhạc được xem là quý phái và sang trọng.
Tại sao dân kỹ thuật là không thể viết tốt? Tại sao lại không dám bắt đầu?
Dường như bao nhiêu lý lẽ đang hỗ trợ mình cần phải học viết nội dung, cần phải chinh phục kỹ năng này vì nó quá thiết yếu cho mình ở hiện tại và chặng đường sắp tới. Không phải học để cho biết mà còn phải làm tốt, làm giỏi mới được.
Mình lập tức nhắn tin ngay cho cậu em vì trước đó có thấy cậu ấy chia sẻ trên Facebook về một khóa học copywriting, hai anh em share tài khoản và học phí với nhau vì thái độ học của mình lúc đó thật sự rất nghiêm túc nhất.
Mãi đến bây giờ, mình thấy đây là một quyết định đúng đắn của cuộc đời.
Bắt đầu như thế nào
Khi học xong khóa học đó, mình tìm thấy những keyword và note lại những kiến thức mà mình cần phải đào sâu hơn, tìm hiểu các khía cạnh và ngóc ngách xoay quanh.
Mình bắt đầu tìm hiểu từ nhiều blog nước ngoài, Việt Nam (có phần ít hơn), đăng ký bản tin có phí của chuyên gia, tham dự các cộng đồng chuyên môn…
Mình dành hơn 100 giờ học liên tục, mỗi ngày dành ra 2-3 giờ học liên tục trong suốt 3 tháng, không ngắt quãng. Mình không tìm hiểu qua loa mà thực sự học và ghi chép, note lại trong một slide.
Khi bạn tìm hiểu nhiều nguồn, đa chiều, bạn sẽ tìm ra được cốt lõi vận hành của vấn đề, thường sẽ được lặp đi lặp lại trong những nội dung của nhiều người chia sẻ. Mỗi người sẽ cho bạn nhiều góc độ của một khía cạnh, sự sáng tạo của riêng họ, nhưng để học nhanh thì chúng ta cần nắm yếu tố cốt lõi của nó để tránh hoang mang trước hàng tá kiến thức.
Sau đó, bạn sẽ biết sáng tạo xoay vần quanh một thứ – lõi của vấn đề.
Đó là cách mình bắt đầu cho mọi vấn đề, học viết nội dung cũng vậy. Tìm ra cái cốt lõi rồi sau đó bắt đầu, nghiên cứu các góc độ khác để sáng tạo.
Ví dụ: khi học copywriting, mình cần hiểu được thế nào là nội dung truyền thông – nội dung quảng cáo, tìm hiểu mục đích, cách sử dụng. Khi hiểu rõ điều này, tự dưng mình sẽ hiểu về content pillar (tuyến nội dung) để làm gì, biết tạo content planner như thế nào và để làm gì…
Rèn luyện như thế nào
Học thì cũng đơn giản lắm, khó nhất vẫn là phải viết…. chắc chắn chỉ có viết thì mới giỏi lên. Mình bắt đầu viết thử những bài viết về các sự kiện của cộng đồng, sản phẩm của công ty. Mỗi bài mình đều thử nhiều kiến thức, công thức vừa mới học được vào.
Việc bắt đầu viết thử là một bước quan trọng để rèn luyện kỹ năng viết nội dung. Bằng cách áp dụng những kiến thức và công thức mới học vào viết, bạn có thể thấy rõ sự tiến bộ và cải thiện dần dần. Thử nghiệm các khía cạnh khác nhau trong mỗi bài viết giúp bạn mở rộng tư duy sáng tạo và tìm ra phong cách viết riêng của mình.
Lúc đó, kỹ thuật viết còn yếu lắm nhưng cứ hết lòng làm đã. Mỗi bài viết dành cả buổi, cả ngày để viết. Và nhiều bài viết khác cứ vậy ra đời, được cải thiện hơn và được sử dụng để truyền thông luôn.
Đâu là điều quan trọng trong giai đoạn này?
Viết để sử dụng, có thể đăng tải ngay là một cách hiệu quả để rèn kỹ năng viết nội dung. Thay vì chỉ viết để hoàn thành một bài tập, hãy thử áp dụng những gì bạn đã học vào viết cho một vấn đề cụ thể hoặc một yêu cầu đã có sẵn.
Bằng cách làm như vậy, bạn có thể thấy rõ ứng dụng thực tế của kiến thức và kỹ năng viết của mình. Đưa sự sáng tạo và khả năng của mình vào trong một hoàn cảnh có thật thì mình sẽ biết được cái nào mình mạnh, điều gì mình yếu, cần phải học thêm cái nào và rèn luyện cái nào sau mỗi bài viết.
Khi có áp lực từ việc phải đăng tải, chúng ta cũng nghiêm túc hơn, kỹ tính hơn với bài viết của mình cũng như một áp lực vô hình của “nỗi sợ chìa mặt ra” sẽ giúp bài viết được bạn hoàn thiện hơn. Khi chúng ta đăng tải, chúng ta nhận được phản hồi của người đọc, điều đó sẽ giúp bạn biết đâu là cách viết hiệu quả với bản thân mình.
Nếu bạn dự định tập viết trong file Docs và tự mình chấm điểm, đánh giá thì hãy can đảm thêm một chút đăng tải những bài viết lên nơi có nhiều người đọc hơn, có khách hàng tiềm năng của mình. Tôi tin chắc việc này giúp bạn làm tốt hơn, ít nhất là 3-4 lần.
Tháng 6/2023, mình chuyển qua một giai đoạn mới, bước ra khỏi chủ đề copywriting. Mình tham gia chuỗi viết 200 bài của một cộng đồng. Đó là những chủ đề ngẫu nhiên trong cuộc sống, là những tâm sự nhỏ to bên trong mỗi ngày để vượt qua những rào cản, rèn luyện kỹ năng và luyện viết đều đặn.
Suốt những ngày viết trong cộng đồng có hơn 30.000 thành viên, cái “áp lực” về số người giúp mình dốc hết tất cả những kỹ năng đang có dù vẫn còn rất yếu. Những bài viết đầu tiên, ngoài sự động viên thì mình cũng nhận được nhiều góp ý. Đọc lại những bài viết đó, mình nhận ra rằng kỹ năng về xuống dòng, ngắt đoạn và chính tả của mình còn rất yếu.
Nhưng điều đó không khiến mình nản hay có ý định bỏ cuộc, sau này đến khi bận công việc nhiều mình mới không viết một cách đều đặn trong group nữa mà chỉ là thỉnh thoảng. Bạn có thể xem lại các bài viết này tại đây
Điểm bùng phát
Ngày qua ngày, mình cứ học và luyện viết mỗi ngày đều đặn như vậy. Nó tạo cho mình một thói quen mới, mình dần quen với việc viết hơn. Thói quen “lấy được chữ” ra trong mọi tình huống, sẵn sàng tìm kiếm những từ ngữ hay, những cách viết sáng tạo để học hỏi và mang về cho riêng mình.
Tuy nhiên, những điều đó vẫn chưa đủ để mình vượt qua những hạn chế của mình. Lúc đó mình cần một sự đột phá hơn. Và rồi, một cơ duyên đến khi mình được mời chia sẻ về copywriting – viết quảng cáo cho nội bộ. Dù còn ngại, nhưng mình đã đồng ý vì muốn đối mặt với áp lực và vượt qua sự ngại ngùng của mình.
Còn gần 1 tuần nữa là đến buổi học đầu tiên (thời lượng 3 buổi), mình bắt đầu áp suất soạn slide. Tất cả noron thần kinh dồn hết để đúc kết lại tất cả kiến thức rộng lớn bao la, chọn lọc những nội dung phù hợp và vừa sức với đối tượng sẽ học, sắp xếp thứ tự học trước sau và viết để làm mẫu….
Một người học thì qua vài ngày sẽ quên, mình không phải ngoại lệ. Phải ngồi đọc đi đọc lại những nội dung mình từng đọc qua, tìm kiếm và đào sâu hơn, kỹ hơn thì mới có thể giảng lại cho người khác. Khối lượng công việc rất nhiều.
Học thì hiểu 1-2, ngồi suy ngẫm thêm thì hiểu thêm 4-5 nhưng nếu thực hành và chia sẻ thì có thể khiến bạn hiểu 8-9 thậm chí là 10/10 những kiến thức được học.
Cứ túc tắc mà khóa này mình đã đứng lớp lại hơn 5 lần, chưa kể những khóa học khác mình cũng chia sẻ rút ngắn lại còn 1-2 buổi. Giờ đọc và xem lại slide của những ngày đó, thấy lúc đó còn “yếu” mà tự tin dễ sợ. Nhưng cũng thầm cảm ơn, nhờ mọi người chịu khó nghe và thực hành theo để mình nhận ra – cải tiến nội dung tốt hơn, mình gần như hiểu sâu hơn những kiến thức của copywriting.
Đây là điểm mình coi là bùng phát, là thời điểm mà tích đủ lượng thì cũng thay đổi cả về chất trong hành trình học viết content của mình.
Chia sẻ chính là một cách học nhanh và tốt, là động lực để chúng ta học kỹ càng – hiểu thấu – hiểu sâu và tự tin chia sẻ lại điều đó với người khác. Chia sẻ giúp chúng ta mở lòng ra đón nhận những điểm mình còn yếu và cũng chấp nhận điều đó, nhờ có như vậy mà chúng ta có thêm sức mạnh tiến về phía trước đón nhận nhiều điều tốt đẹp.
Mình không cổ vũ việc chưa giỏi mà vẫn chia sẻ nhưng chúng ta có thể tốt ở mức vừa đủ + dốc hết sức để chia sẻ với những ai cần. Đừng xem đây là học viên của bạn mà hãy xem đó là những người bạn học chung, học nhóm với bạn. Miễn là bạn muốn cho đi, cứ làm.
Kiếm tiền từ viết
Từ khi xác định mục đích học viết cho đến nay. Mình vẫn xem viết là công cụ để thực hiện cho công việc, cuộc sống.
Đến bây giờ, viết giúp mình mở ra những cánh cổng khác trong công việc, cuộc sống. Những bài viết trên blog để chia sẻ và xây dựng thêm thu nhập, những công việc như viết truyền thông cho thương hiệu hay để làm dịch vụ cho web1trang.vn và xây dựng thương hiệu cá nhân.
Giống như mình đang leo núi, ban đầu cũng chỉ muốn chinh phục thử thách và độ cao. Nhưng trên hành trình đó lại khám phá vô vàn cảnh vật đẹp đẽ trên đường đi, hoa thơm cỏ lạ xen lẫn những khó khăn trên chặng đường đó. Và đôi khi, bạn cũng nhận ra những gánh nặng trong lòng cũng được bỏ xuống để bạn đủ sức chinh phục hành trình xa hơn.
Quay lại việc kiếm tiền từ viết
Bạn không thể viết rồi tự dưng người ta trả tiền cho bạn, mà bạn phải chuyến hóa nội dung thành một giá trị nào đó, giá trị đó sẽ được quy thì tiền, được trả tiền. Viết cũngcó rất nhiều ngách khác nhau, từ đó mà nhiều cách để có thu nhập từ viết cũng rất khác nhau vô vàn, mình cũng chưa nắm hết được.
Dưới đây là một số ví dụ:
- Bạn viết sáng tạo cho fanpage => Bạn cần phải học cách thiết kế ảnh + video ngắn => Trở thành một người quản lý và sáng tạo nội dung => Sẽ được thương hiệu trả tiền để phát triển fanpage
- Bạn có khả năng viết các bài quảng cáo => Hiểu thêm cách viết báo, tối ưu SEO, facebook ads… => Viết quảng cáo truyền thông cho thương hiệu => Được trả tiền.
- Bạn có khả năng làm thơ => Liên hệ đăng báo, làm thơ sáng tạo cho các thương hiệu => Được trả nhuận bút hoặc trả công cho mỗi bài thơ bạn sáng tác ra.
- Nhiều, nhiều lắm…
Vậy thì chúng ta cần xác định xem:
- Khách hàng sẽ trả tiền cho bạn vì ĐIỀU GÌ?
- Để làm được ĐIỀU ĐÓ thì cần có KỸ NĂNG nào?
- KỸ NĂNG đó bạn LÀM ĐƯỢC hay cần HỌC HỎI ở đâu?
Và cách của riêng Huy
Cũng cơ duyên đến với Huy vào tháng 4, lên Đà Lạt du lịch và gặp một người anh đồng nghiệp. Hai anh em ngồi bàn về dự định sắp tới và chia sẻ việc có thể hợp tác với nhau để làm dịch vụ landing page mang tên Web1trang.
Trong dự án này, Huy ở vai trò viết content: Viết truyền thông cho dự án, quản lý fanpage, viết blog, viết nội dung cho các landing hay website…..
Với mục đích đó, mình nghiên cứu các viết nội dung cho landing page, website (tại Việt Nam cũng ít nơi chia sẻ kiến thức này một cách cụ thể), học cách xây kênh, viết Portfolio…. Và khách hàng làm web là người trả tiền cho bọn mình theo sản phẩm, theo dự án. Nghĩa là việc viết của mình kiếm được tiền từ nhiều yếu tố khác cộng lại.
Nghe thì sẽ thấy là quá nhiều điều cần phải học nhưng cũng không quá khó nếu bạn biết rõ mình sẽ cần học cái gì để phục vụ công việc đó, tránh học tá lả, đi rộng mà không thể đi sâu.
Để có thể kiếm tiền, phát triển cao hơn là trở thành chuyên gia trong nghề viết này (tất nhiên là bạn có thể không trở thành chuyên gia hay chỉ đơn giản viết mỗi ngày đã khiến bạn vui). Nhưng nếu muốn thu nhập tốt hơn, khách hàng tự tìm tới bạn thay vì chúng ta phải đi “rao vặt”. Hãy tìm cho mình một ngách nhỏ, được khách trả tiền, mình cũng thích thì hãy đi sâu và thật giỏi trong ngách đó. Lúc đó, khách hàng mới dễ dàng chọn bạn giữa nhiều content creater khác.
Những kinh nghiệm nào quan trọng
Khó khăn khi học viết LỚN NHẤT có lẽ là giai đoạn bắt đầu, từ con số 0 phải trở thành số 1. Là từ lúc không biết gì, sợ hãi khi viết và đắn đo khi đăng tải, thấy mình chưa đủ giỏi… cho đến khi bắt đầu viết.
1. Đầu tiên, bạn phải viết mỗi ngày.
Viết hay không bằng hay viết, hát hay không bằng hay hát… Đơn giản như vậy thôi nhưng không dễ dàng gì làm được. Cỗ máy muốn lăn bánh thì bánh đà phải quay đủ vòng tua, tạo ra đủ lực để kéo cả cỗ máy nặng nề khởi động, nên bước này cực kỳ quan trọng. Khi cỗ máy được chạy, bạn bắt gặp một ngọn cỏ ven đường đu đưa trước gió bạn cũng có thể viết được một bài thơ, thấy vợ chửi bạn cũng có thể sáng tạo ra một bài hùng biện….
2. Học cách sắp xếp bố cục, từ vựng
Hay viết không đồng nghĩa với viết hay, viết là bộ môn có thể rèn luyện được nhưng cũng cần bạn nắm những quy tắc về từ vựng, ngữ pháp, bố cục sắp xếp thì nội dung viết ra mới được diễn tả mạch lạc, trôi chảy. Mình là bằng chứng sống cho việc này, trước đó cứ nghĩ viết blog để làm affiliate nhiều là nó lên tay nhưng hoàn toàn KHÔNG xảy ra. Viết bao năm vẫn dậm chân tại chỗ, chỉ giỏi đi copy, chắp vá thôi không thể gọi là biết viết được.
3. Học cách viết đúng
Khi biết thế nào là đúng, là khi viết ra bạn chả sợ ai đánh giá và phán xét bài viết của bạn. Đây cũng là một trong những rào cản lớn của nhiều người thích viết mà ngại viết. Cái đúng nó phải dựa vào chân lý, đạo lý đi ra, trong giáo lý nhà Phật còn gọi là Chánh Kiến. Đó là hành trình vun bồi sự hiểu biết để bạn nhận ra đâu là nội dung đúng đắn bị che đậy bởi những mỹ từ trong bài viết, nhận ra nhiều nội dung hiện nay đọc tưởng hay nhưng “khá là nguy hiểm”. Ví dụ như: “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn” => Làm gì có quân tử nào mà thù dai như vậy?
4. Viết đúng rồi tới viết hay
Đây là bước bạn trang trí thêm nội dung của mình thêm hoa lá, bối cảnh,màu sắc…để nội dung được hấp dẫn và dễ dàng tiếp cận được với nhiều người. Thậm chí, bạn có thể đưa thơ vào trong nội dung, sáng tạo lại lời bài hát để diễn tả câu chuyện của mình. Cái này mình chưa giỏi nên chưa biết diễn tả sao.
5. Chia sẻ
Mình nhận ra viết lách chính là công cụ để truyền tải giá trị của mỗi người bởi khi đọc vào nội dung của một người viết chúng ta có thể cảm nhận được tâm hồn của họ, giống như các bạn thấy nhiều bài viết đọc xong cảm thấy dịu mát, nhẹ nhàng, dễ thương, chữa lành….những bài viết như lời tự sự với đứa trẻ bên trong và cũng không thiếu những bài viết hài hước đọc thôi đã thấy cuộc sống có quá nhiều điều tích cực. Mình nghĩ rằng: “Nếu bạn là bông hoa thì sự ảnh hưởng của bạn chính là hương thơm và cách để hương thơm đó mang đến mọi người dễ nhất chính là nội dung. Viết lách như làn gió mang hương thơm (giá trị, sự ảnh hưởng của bạn) đến mọi người.” Bạn thấy đó, VIẾT KHÔNG HỀ ĐƠN GIẢN. Nó đòi hỏi cần phải quan sát đời sống sắc nét – phân tích đúng sai đa chiều – đúc kết và diễn giải lại bằng nội dung thật hay.
Lời khuyên
Ngoài những lời bài học nhỏ ở mỗi hành trình, mỗi giai đoạn mình đã quote ra. Đây là những điều Huy đúc kết được giúp chúng ta có thái độ đúng đắn – quyết định cách chúng ta học tập, học đúng cách thì hiệu quả sẽ tốt hơn gấp nhiều lần.
Học phải đi đôi với hành
Viết content cần bạn phải thực hành thì mới có thể giỏi, không có cách nào khác.
Trong suốt quá trình học của mình, Huy luôn viết liên tục mỗi tuần và gần như là mỗi ngày. Nhờ vậy mà mình nhạy bén hơn với ngôn từ, làm quen với cách sắp xếp nội dung trước sau cho mạch lạc, biết cách sáng tạo phong cách riêng của mình.
Thời gian đầu, việc này không hề dễ dàng gì. Mỗi lần viết là một lần phải căng não ra tìm ý tưởng, lựa chọn phong cách diễn đạt và ngôn từ cho bài viết dễ hiểu mà lại còn phải hấp dẫn.
Ai mà không muốn bài viết mình xuất bản ra phải hay, nhiều người yêu thích và có hiệu quả. Nhưng làm thì đúng là không dễ dàng gì. Nhưng nếu không làm thì cũng không có cách khác để giỏi hơn.
Học một lần cho tới cùng
Có câu nói “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” rất phù hợp trong hoàn cảnh này. Lời khuyên ở đây là đừng học lắc nhắc, khi nào rảnh thì học, bạn có thể học cách viết content qua nhiều cách:
- Đọc sách có thể chú ý cách người ta hành văn, ngôn từ mới
- Học cách mọi người viết, triển khai ý tưởng nội dung ở trong các group về viết content
- Học và thực hành liên tục mỗi ngày
Khi học và thực hành liên tục sẽ tạo thành một thói quen, bạn duy trì thói quen này đủ lâu một cách có CHỦ ĐÍCH thì sẽ biến nó thành một kỹ năng. Mà đã trở thành kỹ năng thì sau này phản xạ của bạn với việc viết tốt hơn, nâng cấp lên mỗi ngày chứ không phải cứ học đi học lại từ đầu.
Ưu tiên học kỹ năng nào dùng nhiều lần trong đời
Sau khi trải qua đợt lockdown vì covid và rèn luyện content. Mình lựa chọn ưu tiên học những kỹ năng mà mình sẽ dùng nhiều lần trong cuộc đời, sử dụng mỗi ngày như: Học nấu ăn, cách gõ bàn phím, quản lý thời gian, lời nói hay khả năng viết content….
Vì khi
- Bạn nấu ăn ngon được thì bạn được ăn món ngon mỗi ngày suốt cả đời.
- Khi bạn gõ bàn phím nhanh, hiệu suất của bạn khi làm việc sẽ tăng hơn, đỡ mỏi tay hơn.
- Khi bạn phải làm công việc truyền thông, bán hàng, viết nội dung mỗi ngày thì chắc chắn viết hay-viết tốt sẽ giúp công việc bạn đạt được hiệu quả hơn.
Hãy sử dụng ngôn từ của mình
Ngôn từ của bạn không hay, logic trong bài viết của bạn sẽ không bằng các công cụ AI được nhưng mình tin mỗi dòng viết ra và cách diễn tả của mỗi người đều có thể cảm nhận được từ người đọc, đều có những điểm chạm riêng của nó.
Khi học viết, đừng bao giờ copy nội dung từ người khác (có thể tham khảo ý tưởng) hay đun đầu vào học cách sử dụng các công cụ viết AI. Cách làm này sẽ khiến bạn thui chột sự sáng tạo nội dung chỉ mới đang le lói ở nơi bạn.
Khi chia sẻ tại các buổi học content, Huy vẫn thấy mình đều thua những bạn, anh/chị học viên nhưng Huy vẫn tự tin vì nó là chính mình, nó là REAL và nó khác biệt với người khác. Tự tin lên bạn.
Cái kết
Bài viết đã quá dài nhưng vẫn chưa nói hết những chi tiết nhỏ, những khó khăn mà bạn cần trải qua khi học viết content.
Mỗi người khi dấn thân vào hành trình này sẽ có một bài học riêng biệt mà không ai có thể giống được, chỉ có bước tới và học nó một cách say mê, đón nhận với tâm thế hào hứng và tò mò như một đứa trẻ thì bạn mới có thể tiếp nhận những điều mới mẻ khi đắm chìm trong thế giới của những con chữ.
Rồi bạn sẽ thấy được vẻ đẹp của hành trình này, “cảnh vật” tuyệt đẹp mà trên con đường leo núi, những xúc cảm khó tìm dù sẽ có nhiều mồ hôi lẫn nước mắt rơi. Nhưng chắc chắn rằng lúc bạn ở trên đỉnh, khoảnh khắc cả thế giới trước mắt mình sẽ đẹp và nhiều cảm xúc hơn nhiều so với việc đi cáp treo.
Cảm ơn bạn đã đọc tới đây! Nếu có bất cứ câu hỏi nào, hãy comment bên dưới để Huy trả lời.
Anh em đọc bài thấy hữu ích thì tặng 1 comment
Cảm ơn bài viết rất chi tiết và đầy đủ lộ trình của anh. Mình học được nhiều điều quý giá trong bài viết này và biết mình nên bắt đầu từ đâu.
Mừng vì bài viết có thể giúp được em
Đến hôm nay e mới có dịp đọc hết từ đầu đến cuối, giúp em hiểu sâu hơn về hành trình học viết content và làm sao để có thu nhập từ việc viết.
Em cũng có mong muốn gắn bó với công việc viết này, a cho em lời khuyên về việc chọn 1 ngách để đào sâu và phát triển lên với nhé!(copywritng, fanpage, seo hay viết script,… ạ) Em cảm ơn anh nhiều!
Phần này thì em phải thử để biết mình sẽ thích và phù hợp với ngách nào. Cách dễ nhất là e dấn thân vào 1 ngách đó và viết từ 50-100 bài thử xem, cũng có khó khăn như thường nhưng vượt qua ngưỡng khó đó em sẽ học được rất nhiều.